BizLIVE - Đồng real mất giá so với USD là một vấn đề đau đầu đối với nhà sản xuất châu Á. Nhờ vậy, đường từ Brazil càng chi phối mạnh mẽ thị trường toàn cầu, Nhật báo phố Wall chỉ ra.
  
Nguồn cung dư thừa đẩy giá đường quốc tế xuống đáy thấp nhất 6 năm. Trong khi các nhà sản xuất bánh kẹo hoan hỉ với tin này, thì nhiều nước sản xuất đường lớn tại châu Á như Ấn Độ và Thái Lan lại ngậm ngùi.



Tính từ mùa hè năm trước, giá đường đã giảm 30%, hiện được giao dịch ở mức dưới 13 cent/pound trên sàn giao dịch ICE Futures của Mỹ.

Cơ hội cho Brazil tăng xuất khẩu
Trước tin này, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới - Brazil - không quá đau đầu vì đồng real cũng đang sụt giảm. Nội tệ Brazil đã xuống đáy 11 năm so với bạc xanh.

Giá đường quốc tế được tính theo USD, nên các nhà xuất khẩu Brazil có thể tận dụng thời cơ bản tệ mất giá để hạ giá xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh.


Ngược lại tại châu Á, cả đồng rupee của Ấn Độ và baht của Thái Lan trụ khá vững so với một đồng USD đang tăng giá. Điều này gây khó khăn cho các nhà sản xuất muốn giảm giá xuất, bóp nghẹt lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

“Đồng real mất giá so với USD là một vấn đề đau đầu đối với nhà sản xuất châu Á. Nhờ vậy, đường từ Brazil càng chi phối mạnh mẽ thị trường toàn cầu”, ông Sergey Gudoshnikov, nhà kinh tế kỳ cựu tại Tổ chức mía đường quốc tế, nhận xét.

Nguồn cung đường trên thị trường toàn cầu dư thừa tới 600.000 tấn so với nhu cầu trong năm 2015, ông Gudoshnikov ước tính.

Giá dầu giảm cũng không giúp cải thiện tình hình. Tại Brazil, mía còn được dùng để sản xuất ethanol, nhưng đây không phải nguồn năng lượng được ưa chuộng. Vì vậy mía được sử dụng để làm đường nhiều hơn.

Diễn ra tình trạng thừa cung là do mùa vụ sản xuất mía kéo dài 2 năm, khiến người nông dân khó điều chỉnh nhanh chóng theo điều kiện thị trường.

Ấn Độ: Nước sản xuất đường lớn thứ hai trên thế giới
Thời tiết đặc biệt thuận lợi tại Ấn Độ giúp một vụ mía kéo dài hơn hai mùa, khiến đây trở thành nước sản xuất đường lớn thứ hai trên thế giới.

Tuy nhiên lợi nhuận của các nhà sản xuất Ấn Độ đang bị bào mòn. Mặc dù nguồn cung dồi dào làm giảm giá nguyên liệu, các nhà máy vẫn phải mua mía với giá được chính phủ quy định từ trước để bảo hộ người nông dân. Thường mức này cao hơn so với giá quốc tế.

So với tồn kho vào đầu tháng 10/2014, dự trữ đường của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng gấp đôi lên 3 triệu tấn vào cuối mùa, kết thúc vào tháng Chín.

Trong khi đó các nhà sản xuất chỉ ký kết được hợp đồng xuất khẩu 200.000 tấn đường mùa này, giảm trầm trọng so với mức 2,6 triệu tấn trong mùa mía năm 2013 – 2014.

“Đường đang dồn ứ tại Brazil. Tôi cho rằng Ấn Độ sẽ không có cơ hội để xuất khẩu nhiều trong tương lai gần”, ông Vandana Bharti, trợ lý phó chủ tịch mảng hàng hóa tại công ty SMC Comtrade nhận xét.

Trong khi các chuyên gia lại ước tính sản lượng đường tại Ấn Độ sẽ tăng 1 triệu tấn lên 26,5 triệu tấn trong mùa vụ năm nay.

Thái Lan - triển vọng xuất khẩu mờ mịt
Thái Lan cũng loay hoay với triển vọng xuất khẩu mờ mịt. Kim ngạch xuất khẩu đường trong tháng Một giảm 7,5% xuống 357.654 tấn so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu Bộ công thương.
“Địa hạt xuất khẩu đường của Thái Lan đang chịu sức ép, không chỉ từ đồng real mất giá mà còn do đồng baht quá mạnh”, đại diện công ty mía đường Thai Sugar Millers cho biết.

Trong lúc này, các nước láng giềng là phao cứu sinh của Thái Lan, nhất là Indonesia, vì đất nước chùa vàng có thể xuất khẩu sang đây với giá thấp hơn Brazil do lợi thế khoảng cách địa lý.

Nhưng trong kịch bản xấu khi giá đường tiếp tục chìm sâu, Thái Lan sẽ khốn đốn hơn nhiều so với Brazil.

“Các nhà sản xuất Brazil vẫn có thể trụ vững khi giá đường giảm thêm 20% nữa, vì đồng real đã mất giá tới 50%”, Thai Sugar Millers chỉ ra.
Tagged

0 nhận xét