Tôi không phải là người Hà Nội, nhưng sống ở thành phố này trong suốt quãng đời tuổi trẻ. Tôi thuộc lòng hàng cây của từng con phố: Xà Cừ ở Đường Láng, Phan Đình Phùng; Bằng Lăng dọc Kim Mã, Phạm Tuấn Tài; hay Hoa Sữa trên đường Quang Trung, Nguyễn Du...
Những hàng cây là linh hồn của mảnh đất này, là một phần cuộc sống của bất kỳ ai từng gắn bó với Hà Nội.


Một sáng thức dậy, bạn thấy người ta thông báo sẽ chặt hạ 6.700 linh hồn đó, rồi không chờ đợi gì, cưa máy được mang đi và chỉ trong vài ngày 500 cây bị đốn gục. Cả nội đô chỉ có hơn 29.600 gốc cây và những năm trước Hà Nội chỉ loại bỏ 300-500 cây khi mùa mưa bão về.

Đêm hôm trước, khi đi trên đường Nguyễn Chí Thanh, tôi thấy người ta vẫn hì hục chặt cây. Con đường từng được phong là đẹp nhất Việt Nam giờ trơ những hố đất trống, bùn vương vãi quanh vỉa hè. Và phải ít nhất ba năm nữa, nếu loại cây vàng tâm, chỉ hợp ở núi cao, phát triển được ở nơi có khí hậu khắc nghiệt như Hà Nội, con đường này mới có bóng mát trở lại.

Khi Sở Xây Dựng cho người đi chặt cây trên diện rộng, họ không chỉ chặt đi linh hồn của thành phố này mà kéo theo đó là cả niềm tin của người dân vào trách nhiệm giải trình cũng như năng lực của chính quyền. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tiêu chuẩn của cây đô thị là gì, tại sao Xà Cừ ở tuyến này bị đốn, thì tuyến khác cũng trong đô thị lại bắt đầu trồng; tại sao một vấn đề mà nhiều người dân Hà Nội xót xa mà người phát ngôn thành phố phát biểu “không phải hỏi ý kiến dân”, để rồi chính vì dân lên tiếng mà cuối cùng lãnh đạo thành phố phải ra quyết định ngừng.

Tôi cho rằng, người dân phản đối kế hoạch thay thế, chặt hạ 6.700 cây xanh Hà Nội không hoàn toàn chỉ vì cảm xúc với cây xanh. Cây cối cũng như nhà cửa, có thể bị hỏng hóc và cần phải thay thế. Tôi tin người Hà Nội hiểu rõ điều này. Trong 6.700 cây dự kiến bị đốn hạ, sẽ có những cây không thể không chặt. Tôi tin nhiều người cũng biết thế, nhưng họ vẫn phản ứng. Đó là bởi họ không chấp nhận sự thiếu minh bạch, vội vã trong hành động của cơ quan chức năng. Đặc biệt là với những gì thân thiết như một phần không thể thiếu của Hà Nội.

Người dân không hài lòng bởi họ cảm thấy bị gạt ngoài lề những quyết sách liên quan mật thiết đến cuộc sống của mình. Khi vòm lá xanh sắp mất đi, người ta mới thấy sự lúng túng trong quản lý, sự thiếu minh bạch trong các quyết định của thành phố. Khi vòm lá xanh mất đi, người dân mới thêm một lần nhận thấy họ đã không được có tiếng nói trước người có quyền quyết định.

Cây xanh đã đánh thức cộng đồng. Hàng chục nghìn người đã lên tiếng, trong đó có những trí thức như giáo sư Ngô Bảo Châu, tiến sĩ Trần Đăng Tuấn. Trong kỷ nguyên Internet, với mạng xã hội, quả thật “không điều gì lạ dưới ánh mặt trời”. Không một sự thiếu minh bạch nào có thể che giấu mãi.

Tôi hoan nghênh quyết định của chính quyền Hà Nội tạm dừng việc chặt 6.700 cây xanh. Đó là phản hồi cần thiết khi muốn xây dựng xã hội văn minh và dân chủ. Điều quan trọng nhất với người lãnh đạo lúc này là hãy tự nhắc mình về việc công khai, minh bạch những quyết sách có tác động lớn đến đời sống, xã hội.

Tiếc rằng, với một cuộc họp báo như để trấn an, với 21 câu hỏi không được trả lời, thì dường như vẫn có người chưa hiểu, hoặc cố tình không hiểu: Phản ứng của người dân không chỉ là chuyện về cái cây.
Tagged

0 nhận xét